Trịnh Nam Trân - Tiếng thơ của trái tim cháy bỏng
Nếu một lần được đọc qua những vần thơ của Trịnh Nam Trân, có lẽ bạn cũng như tôi sẽ cảm thấy mọi thứ thật mơ hồ và lãng đãng. Với Nam Trân dường như mọi khoảnh khắc đều nên thơ và đáng lưu giữ. Những vần thơ luôn nửa cũ nửa mới, "khiêu gợi" đến kì lạ. Đọc thơ của Nam Trân, người ta thường mường tượng ra hình ảnh một cô gái trẻ nhưng đầy hoài niệm và nhận ra bản thân mình trong đó. Đúng... chúng ta còn trẻ, và chúng ta thường nghĩ về những điều đã cũ.
Trịnh Nam Trân là một nữ nhà thơ 9x nổi tiếng trên mạng xã hội với những bài thơ tình vừa dịu dàng vừa mãnh liệt. Cô chưa bao giờ tự nhận mình là một nhà thơ, chỉ nói là "chơi đùa” và "thử sức" mình với văn học. Nhưng một khi đã đọc "Em đang giấu gì vậy? Cho tôi xem được không?", "Năm thương, tháng nhớ, không ngày gửi đi" hay "Sao em buồn đến thế", người ta sẽ phải gật gù "sao câu từ lại thơ như vậy".
Sáng tạo tâm hồn trong sự lặng im
Nam Trân từng bộc bạch, cô đã biết mình thích văn thơ từ rất sớm. Đó là một buổi học năm lớp 4, cô giáo dạy môn Tiếng Việt đã ra đề bài cho cả lớp làm một bài thơ về con gà. Trân lúc đó cũng chỉ là một cô học sinh nhỏ, cô dạy sao thì làm vậy và có nhấn nhá thêm một chút cái "bản năng" của mình. Nhưng khoảnh khắc lần đầu làm thơ được điểm cao, lại được mọi người khen ngợi, Trân đã cảm nhận "như là một cái dấu mốc cho chính mình".
Nhưng có lẽ con đường "làm nghệ thuật" chưa bao giờ là dễ dàng. Trân đã trải qua một thời trung học "làm thơ trong bí mật".
"Tầm mà mình học giỏi lớp 8, lớp 9, lớp 10, giai đoạn đó mình rất sợ bị bạn bè chê, đặc biệt là cái chữ sến với chữ cải lương. Cho nên hồi đó mỗi lần mà mình nói với bạn bè, từ bạn thân cho đến bạn bình thường là mình thích làm thơ lắm. Thì các bạn cứ cho đó là "cái đồ" cải lương, sến sến. Mà cái thời đó bất kì đứa con gái nào cũng muốn mình mang hình tượng như là manga Nhật Bản, phải "cool", không "cool" thì phải "cute", chứ tụi nó không chấp nhận cái chuyện là thích văn thích thơ" - Trân vui vẻ kể.
Tâm hồn thơ văn thì vẫn vậy, chỉ là không được thể hiện được ra bên ngoài nên Trân giấu nhẹn. Cô vẫn làm thơ, viết văn trên trang cá nhân riêng của mình, một mình xem và chẳng cho ai biết. Cứ như thế, bao nhiêu bài tùy bút, bao nhiêu bài tản văn đầu đời của mình Nam Trân đều "tổng hợp" trên đấy. Mặc dù biết sẽ chẳng ai coi và cũng ít người quan tâm, nhưng cô vẫn mong một ngày nào đó mình được công nhận.
Dấn thân ngành công nghiệp sáng tạo... để thổn thức với đam mê
Sự bí mật ấy kéo dài khá lâu, cho đến khi tốt nghiệp đại học Nam Trân bắt đầu con đường làm việc của chính mình. Cô từng làm ở Zalora, viết báo và hiện tại là làm việc cho một agency quảng cáo. Mặc dù môi trường làm việc có thiên về viết lách, nhưng với Nam Trân đó cũng không phải là môi trường thích hợp để làm thơ, viết văn.
Trong suốt khoảng thời gian đi làm, nữ nhà văn cũng chẳng nói nhiều với ai về sở thích của mình. Có lẽ một phần vì cô đã quá quen với việc "làm thơ trong bí mật", một phần vì cô sợ người khác không quan tâm. Cứ như thế, cuộc sống của Trân cứ xoay quanh công việc lên ý tưởng, sáng tạo nội dung cho các dự án, nhưng ít khi lên ý tưởng, sáng tạo nội dung cho chính sản phẩm của mình. Cho đến một ngày Nam Trân gặp được "người bạn đặc biệt" - người mà sau này cô dùng cả thanh xuân để cảm ơn anh vì ngày đó đã "khai sáng" mình.
"Người bạn đặc biệt" được Nam Trân nhắc đến chính là nhiếp ảnh gia nổi tiếng Kỳ Nam. Anh được biết đến với hàng loạt những bộ ảnh thời trang, bìa báo cũng như những lần cộng tác với các tên tuổi lớn như Hồ Ngọc Hà, Bích Phương, Quang Đại, Chi Pu, Châu Bùi, Decao, Helly Tống,... Nhiều người nhận xét cặp đôi là hai mảnh ghép hoàn hảo dành cho nhau. Cô là "nàng thơ" trong các bức ảnh của anh, còn anh là người luôn lắng nghe những câu chuyện cô kể, đọc những bài thơ cô viết, ủng hộ mọi thứ cô làm.
"Anh ấy cho mình cảm giác là có thể nói hết tất cả những cái bí mật của mình. Và anh ấy cũng chia sẻ những bí mật của anh ấy với mình. Lúc đó mình bộc bạch rằng ngày xưa em thích viết, xong cũng hay bị cười chê là cải lương, là sến. Em giấu nó đến bây giờ, anh có muốn xem thử không?" - Trân kể lại cuộc nói chuyện giữa hai người.
Câu hỏi ấy nhỏ nhẹ nhưng lại tạo ra một thay đổi lớn cho Nam Trân. "Người bạn đặc biệt" ấy là người đầu tiên nói với Nam Trân về những tác phẩm của cô. Anh nói rằng Nam Trân sẽ là "tội đồ" nếu không cho những vần thơ xinh đẹp đó được đưa ra ánh sáng. Câu nói ấy khiến Nam Trân suy nghĩ rất nhiều. Rồi trong một buổi chiều nắng nhạt cô quyết định tạo một tài khoản để chia sẻ hết những đứa con tinh thần của mình.
Nhà thơ đa phong cách
Nếu đã từng đọc thơ của Nam Trân, bạn đọc sẽ thấy rằng 3 tập thơ của cô nàng đều mang những phong cách khác nhau, từ trẻ trung, lãng mạn cho đến siêu thực. Ở tập thơ đầu tiên "Em đang giấu gì vậy? Cho tôi xem được không?" Nam Trân tổng hợp những bài thơ mình đã làm từ rất lâu, có những bài được viết những năm mình mới 14, 15 tuổi - cái tuổi ngây ngô và hồn nhiên, mới lớn. Nam Trân muốn gom góp hết những gì mình đã làm trong suốt hành trình viết lách và bỏ vào tập thơ đầu tay này. Có lẽ với nữ nhà văn quyển thơ đầu tay này giống như một mùa hè tuổi trẻ - rực rỡ, trong trẻo và tràn đầy sức sống. Mà tuổi trẻ thì không nghĩ nhiều, thích gì làm đó, nên bạn đọc sẽ nhận ra ở đây có một chút trẻ trung, một chút "liều lĩnh".
Sang tập thơ thứ 2 "Năm thương, tháng nhớ, không ngày gửi đi", sẽ hoàn toàn là một màu sắc khác với một chút trưởng thành, một chút lãng mạn. Bởi những bài thơ lúc này được viết ở độ tuổi 20. Cô đã bắt đầu trải đời hơn, có một chút va vấp, một chút "thất tình". Đọc "Năm thương, tháng nhớ, không ngày gửi đi", bạn đọc sẽ mường tượng ra được hình ảnh cô gái trẻ có nhiều suy nghĩ và nhiều lắng đọng. Cách mà Nam Trân viết quyển thứ 2, là mơ hồ, là lấp lửng chứ không phải là những lời văn khẳng định, mãnh liệt như ngày trước nữa.
Sau cùng, tập thơ thứ 3 "Sao em buồn đến thế?", lại không còn tình yêu nhiều mà thay vào đó là những suy tư về cuộc sống. Nam Trân đã bọc bạch, ban đầu cô nàng dự định đặt cho quyển sách một cái tựa là "Giữa thị thành lấp lánh", vì theo Trân đó là những nỗi lòng của những con người lạc lối trong cái ánh sáng chớp nhoáng của thành thị. Những con người sống trong sự hào nhoáng của đô thị nhưng luôn trăn trở về cuộc đời mình. Nhưng sau cùng cô đã đổi một cái tựa khác. Theo cảm nhận của tôi, "Sao em buồn đến thế" có phần gần gũi hơn. Bởi nó gợi mở ra hàng loạt câu hỏi khác trong lòng mỗi người, "Tại sao em buồn?", "Có phải em cô đơn không?", "Có phải em lạc lõng không?". Những câu thơ, câu văn trong tập 3 này mang gam màu cuộc sống đậm đà hơn so với màu tình yêu và nữ tính của tập trước.
"Ở cả 3 tập thơ đó, chính mình cũng thấy rõ ràng đó là 3 phong cách hoàn toàn khác nhau. Nó mang 3 cái suy nghĩ rất lạ. Nếu 2 quyển đầu là sự nữ tính, tình yêu thì sang quyển 3, mình lại viết về người trẻ và cuộc sống nhiều hơn" - Nam Trân chia sẻ. Những tập thơ được xuất bản không chỉ thể hiện sự khác biệt về phong cách sáng tác mà còn là những thay đổi về tính cách của Nam Trân. Cô tự thừa nhận mình có một chút "tính toán" hơn. Bằng cách tìm ra mục đích và giá trị cho sản phẩm mình tạo ra, cô đã tìm được hướng đi cho bản thân, cũng như tìm được hướng đi cho những tác phẩm sau này. "Sau một khoảng thời gian dài sáng tác thì mình nghĩ là cái mà thay đổi lớn nhất đối với mình đó là xác định rõ là mình muốn cái gì. Ví dụ, mình muốn mình chỉ là một cái người gọi là viết để mà thỏa mãn bản thân thôi hay mình thực sự muốn đóng góp các tác phẩm của mình cho độc giả". Cũng giống như nhiều nhà văn tự do khác, khó khăn lớn nhất của Nam Trân là việc vật lộn giữa ước mơ và tài chính. Mảng viết lách thật sự rất kén "khách hàng", đặc biệt là văn thơ thì càng ít người xem hơn. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại cô đang làm hai "nghề" song song với nhau. Một là vừa theo đuổi đam mê, hai là công việc copywriter tại một agency quảng cáo. Nam Trân tự thấy mình may mắn, bởi công việc ở công ty quảng cáo đủ để cô chi tiêu mà không vướng bận chuyện "cơm - áo - gạo - tiền" mà ảnh hưởng đến việc sáng tác. Chính Nam Trân cũng thừa nhận, thời điểm trước vì nghỉ việc để chuyên tâm cho viết lách nên cô đã bị những nỗi lo tài chính bủa vây và bào mòn đi sự thi vị vốn có của một nhà thơ.
Bản lĩnh đến từ những lần “liều lĩnh”!
Trải qua một quá trình dài từ những ngày đầu khi khả năng viết lách chớm nở nhưng vì sợ bạn bè chê cười nên dấu nhẹn cho đến lúc từng bước bước ra khỏi vòng an toàn của mình, hỏi Nam Trân cách mà cô mạnh mẽ như vậy. Nam Trân trả lời vui vẻ và cô cũng có lời khuyên cho những bạn trẻ đang trăn trở giữa đam mê và nỗi sợ bước ra khỏi những điều quen thuộc.
"Thực sự mình chỉ mong những bạn trẻ hãy can đảm, cứ thử hết tất các cách đi. Vì chỉ đến khi mình thử thì mình mới biết mình thuộc nhóm người nào, mình không thể nào nhìn vào trải nghiệm của người khác, rồi cứ nghĩ là à chắc là mình cũng giống giống chị này, chắc là phong cách sống của mình cũng giống giống anh kia. Với mình, tuổi trẻ có một cái đặc quyền mà mình được quyền làm lại. Mình có thời gian, mình có sức khỏe, nên nếu cái này sai thì mình vẫn còn những năm tháng tuổi trẻ đó để mình thử một cái điều có điều khác, cứ thử đến khi nào tìm được điều mà mình thích nhất và phù hợp nhất" - Trân chia sẻ.
Nam Trân và những vần thơ mới lạ hơn?
Sau nhiều năm cầm bút viết thơ, dù có thay đổi phong cách qua từng chặn đường, nhưng suy cho cùng thơ của Nam Trân vẫn nhẹ nhàng, đằm thắm như xoa dịu những trái tim người trẻ đang thổn thức vì tình yêu, cuộc sống và cuộc đời. Ước mơ lớn nhất của Nam Trân là vẫn được đi làm, được viết, được chia sẻ và gắn bó với văn chương. Trong tương lai nữ nhà văn trẻ vẫn sẽ tiếp tục viết thơ, cô hứa hẹn sẽ mang đến cho đọc giả những quyển thơ khác ngày càng mới mẻ hơn. Nam Trân cũng bật mí cô sẽ thử sức mình trong một vài lĩnh vực khác, để được trải nghiệm và đúc kết nhiều điều hay hơn cho các tác phẩm sáng tạo sắp tới.
Nguồn: https://makeitvietnam.com/trinh-nam-tran-tieng-tho-cua-trai-tim-chay-bong
Bài viết liên quan
Xanh Lam của Lam: Từ bộc lộ cá nhân đến ‘đại diện’ cảm xúc
SVVN - Fanpage Xanh Lam gây ấn tượng trong lòng độc giả không chỉ bởi nội dung ấm áp cùng năng lượng tích cực mà còn bởi những bức vẽ với màu sắc tươi tắn, truyền tải thông điệp ‘chữa lành’ như nhắ...
Bật mí về nhà sư nổi tiếng có sách hút triệu view
Lời tòa soạn Cuối năm 2023, Hội Xuất bản Việt Nam và TikTok Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác để bảo vệ bản quyền và phát triển thị trường sách trên nền tảng thông qua dự án #BookTok. Thỏa thu...
Tuổi trẻ thăng trầm mà đáng nhớ
Nguồn: https://tuoitre.vn/tuoi-tre-thang-tram-ma-dang-nho-20231217210316693.htm Tuổi trẻ có những thăng trầm giúp mình trưởng thành hơn là thông điệp được tác giả Tun Phạm gửi gắm qua quyển sá...